Ngày 6 Tháng Giêng: Hỗn loạn nhưng vững vàng

Đây là lần đầu tiên trụ sở quốc hội Mỹ bị tấn công, kể từ năm 1814, khi quân đội Anh Quốc chiếm thủ đô Washington, đốt phá các dinh thự, khiến Tổng thống James Madison, chính phủ Mỹ và các đại biểu quốc hội phải chạy lánh nạn. Ngôi làng Brookeville ở Tiểu bang Maryland từ đó được gọi là “Thủ đô Hoa Kỳ trong một ngày.”
Những người tấn công Điện Capitol, trụ sở quốc hội Mỹ, ngày 6 tháng Giêng 2021 nghĩ rằng họ có thể làm áp lực thay đổi kết quả cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống năm 2020. Đó là một ảo tưởng. Họ không đọc hiến pháp Mỹ cho nên bị đánh lừa, vì yêu nước mà tự biến thành những người phá hoại chế độ dân chủ. Họ bị đánh lừa khi nhiều người bảo họ “Hãy tiến về Washington ngày 6 tháng Giêng 2021! Đó là cơ hội cuối cùng lật ngược thế cờ.” Những lời kêu gọi như vậy được nhắc đi nhắc lại suốt hai tháng, nhiều người tưởng thật, chuẩn bị cả vũ khí kéo về thủ đô, rồi tiến đến trụ sở quốc hội và nổi loạn.
Hai điều hiểu lầm gây ra ảo tưởng này.
Hiểu lầm lớn nhất là nghĩ rằng quốc hội Mỹ có quyền quyết định chứng nhận ai đắc cử tổng thống. Sáng ngày 6 tháng Giêng, Phó Tổng thống Mike Pence, trước khi đến chủ tọa buổi họp đếm phiếu, dựa trên hiến pháp, đã bác bỏ ý kiến sai lầm đó.
Hiến pháp Mỹ, Điều II, tiết thứ nhất, nói rằng “Vị chủ tịch Thượng viện (tức là phó tổng thống) sẽ mở tất cả các giấy chứng nhận kết quả cuộc bỏ phiếu và sau đó các lá phiếu sẽ được đếm…” (… open all the certificates and the votes shall then be counted.) Bản văn nói đến hai hành động: Mở (Open) và Đếm (be counted). Không hề có một chữ nào nói quốc hội sẽ coi kết quả bỏ phiếu ở các tiểu bang có chính đáng hay không. Không hề nói quốc hội có thể đồng ý hay phản đối, sẽ phê chuẩn (certify) hay bác bỏ (decertify) những kết quả do các tiểu bang gửi về.
Đạo luật năm 1887 xác định rõ hơn ông phó tổng thống muốn bác bỏ hay thêm vào một danh sách cử tri đoàn, quốc hội có quyền phủ nhận hành động đó. Vai trò của phó tổng thống bị giới hạn trong việc mở và đếm phiếu mà thôi. Trong quá khứ các ông phó tổng thống Richard Nixon, Walter Mondale, Dan Quayle, Al Gore, Joe Biden, đã công bố kết quả đối thủ của họ thắng cử, chính họ bị thua. Năm nay Phó Tổng thống Mike Pence cũng vậy.
Tu chính án hiến pháp số 12 cũng ấn định quốc hội Mỹ phải can dự vào việc bầu, chọn tổng thống trong một số trường hợp, như khi không ứng cử viên nào đạt được đa số phiếu trong Cử tri đoàn – hoặc hai ứng cử viên có số phiếu bằng nhau. Khi đó, Hạ viện sẽ bỏ phiếu chọn một trong năm người có phiếu cao nhất (sau được rút xuống chỉ cần ba người). Trong cuộc bỏ phiếu này mỗi tiểu bang có một lá phiếu; đảng chiếm đa số đại biểu trong tiểu bang có quyền chọn bầu cho ai. Người được tín nhiệm sẽ làm tổng thống, người thứ nhì làm phó tổng thống. Nếu sau khi nhiệm kỳ vị tổng thống cũ chấm dứt mà Hạ viện vẫn chưa chọn được ai lên thì các nghị sĩ Thượng viện sẽ bỏ phiếu chọn phó tổng thống ngay, để tạm cầm quyền.
Trong lịch sử Mỹ việc này đã diễn ra hai lần đáng nhớ. Lần đầu vào năm 1824 trong số 4 ứng cử viên ông Andrew Jackson chiếm đa số phiếu phổ thông của dân, 42%, và được 99 phiếu cử tri đoàn. Ông John Quincy Adams được 84 phiếu. Hạ viện họp bỏ phiếu quyết định và đa số bầu cho Adams, vị tổng thống thứ sáu của nước Mỹ. Năm 1828 ông Andrew Jackson lại tranh cử, và thắng ông Adams.
Nửa thế kỷ sau, Quốc hội Mỹ lại phải bỏ phiếu chọn tổng thống lần nữa. Năm 1876 ông Samuel Tilden được 184 phiếu cử tri đoàn, chỉ thiếu một phiếu là đủ để đắc cử. Ông Rutherford B. Hayes được 165 phiếu. Tilden thuộc đảng Dân chủ, lúc các tiểu bang miền Nam, sau khi họ thua trong cuộc nội chiến 1861-1865, đều ủng hộ đảng Dân chủ. Hayes và đảng Cộng Hòa là phe thắng trận, đang tìm cách xóa bỏ chế độ nô lệ ở miền Nam.
Năm 1876, Đảng Cộng Hòa phản đối kết quả bỏ phiếu ở ba tiểu bang Florida, Louisiana và South Carolina, gồm 19 phiếu cử tri đoàn, vì có hai danh sách khác nhau được gửi về Thượng viện. Thêm một cử tri từ tiểu bang Oregon cũng bị phản đối, tổng cộng thành 20 phiếu.
Trước đạo luật 1878, hiến pháp Mỹ không dự trù giải pháp phân xử khi có hai danh sách cử tri đoàn. Cuối cùng, hai đảng đi tới một thỏa hiệp. Họ thành lập một Ủy ban Bầu cử gồm 5 đại biểu Hạ viện, 5 nghị sĩ Thượng viện, và 5 Thẩm phán Tối cao pháp viện. Trong số này có 7 người đảng Dân chủ, 7 Cộng Hòa, và Thẩm phán David Davis độc lập.
Trước khi Ủy ban Bầu cử bỏ phiếu, hai đảng đã thỏa hiệp với nhau: Ông David Davis xin rút lui và được một người thuộc đảng Cộng Hòa thay thế. Kết quả là 20 phiếu cử tri đoàn bị tranh cãi được dồn cho ông Hayes. Ông đắc cử tổng thống với 185 phiếu, hơn ông Tilden đúng một phiếu. Ông David Davis được trả ơn bằng một ghế nghị sĩ.
Tại sao đảng Dân chủ chấp nhận thua trong vụ này? Vì hai bên đã thỏa hiệp: Tổng thống Hayes sẽ rút quân đội liên bang ra khỏi các tiểu bang ly khai miền Nam trong cuộc nội chiến và ngưng các chương trình gọi là Tái Thiết, việc xóa bỏ chế độ nô lệ bị trì hoãn trong gần một thế kỷ.
Bây giờ đến chuyện hiểu lầm thứ nhì, về “quyền phản đối” (right of objection) khi quốc hội đếm phiếu. Sau chuyện rắc rối năm 1878 và những năm 1880, 1884, năm 1887 Quốc hội Mỹ đã làm đạo luật Đếm phiếu Cử tri đoàn.
Quyền phản đối không giản dị như người ta tưởng lầm.
Đạo luật 1887, cho phép các dân biểu và nghị sĩ phản đối danh sách cử tri đoàn một tiểu bang khi có hai danh sách tranh chấp. Khi có người phản đối, ít nhất một dân biểu Hạ viện và một nghị sĩ Thượng viện, thì quốc hội phải xét xử. Một danh sách có thể bị xóa bỏ nếu cả hai viện quốc hội đồng ý, vì xét việc bỏ phiếu không theo đúng luật. Nếu chỉ có một viện chấp nhận thì lời phản đối vẫn bị bỏ qua. Đạo luật cũng nói khi có hai danh sách cử tri đoàn cho cùng một tiểu bang, thì danh sách do thống đốc gửi đến Thượng viện sẽ là danh sách quyết định.
Năm 1960, Phó tổng thống Richard Nixon, chủ tọa phiên họp đếm phiếu, đã hành động rất cao thượng trong vụ hai danh sách cử tri đoàn của tiểu bang Hawaii, mới gia nhập liên bang năm 1959. Khi Hawaii đếm phiếu, ứng cử viên Nixon được 141 phiếu cao hơn ông John Kennedy. Thống đốc William Quinn nộp danh sách cử tri đoàn bầu cho ông Nixon. Nhưng sau khi đảng Dân chủ phản đối, cuộc kiểm phiếu lại cho thấy ông Kennedy thắng 115 phiếu, lại phải đưa ra cử tri đoàn thứ nhì. Khi cả hai danh sách được đem ra đếm, ông Nixon đã chấp nhận cử tri đoàn của ông Kennedy. Năm 2000, Phó Tổng thống Al Gore cũng bác bỏ nhiều lời phản đối kết quả bỏ phiếu mặc dù chính ông là người bị thất cử.
Trước ngày 6 tháng Giêng năm nay, có hơn một trăm dân biểu và mươi nghị sĩ Cộng Hòa đã yêu cầu quốc hội mở một ủy ban điều tra về những nghi ngờ về 5 tiểu bang bị Tổng thống Trump tố cáo có gian lận bầu cử. Nhưng đó không phải là những lời “phản đối” chính thức.
Nhiều người đã hiểu lầm rằng chỉ cần lớn tiếng tố cáo một tiểu bang bỏ phiếu không theo đúng luật là đủ để quốc hội phải thảo luận và gạt bỏ danh sách cử tri đoàn của tiểu bang đó. Nhưng quốc hội không thể làm theo ý họ, sau khi các tòa án đã xác nhận những điều tố cáo là vô giá trị vì những người thưa kiện không trình bày được các chứng cớ.
Hơn nữa, quốc hội chỉ có thể đem các vụ này ra bàn và lựa chọn nếu có hai danh sách cử tri đoàn đang tranh chấp, như khi nghị viện đưa ra một cử tri đoàn khác với ông thống đốc. Năm nay, chuyện đó không xảy ra. Tổng thống Donald Trump đã gặp chủ tịch các nghị viện Tiểu bang Michigan để đề nghị họ làm như thế, nhưng họ từ chối dù đảng Cộng Hòa đang kiểm soát nghị viện. Ông Trump cũng điện thoại cho bộ trưởng nội vụ Tiểu bang Georgia yêu cầu “tìm” ra cho ông thêm 11,780 phiếu vì ông Joe Biden chỉ thắng với11,779 phiếu. Lời yêu cầu này bị từ chối, vì Georgia đã cho kiểm phiếu lại ba, bốn lần mà ông Biden vẫn thắng.
Trong cuộc bỏ phiếu thang11 năm 2020, cho đến ngày 6 tháng Giêng năm 2021, không tiểu bang nào, trong số 5 tiểu bang bị tranh cãi, đã nộp hai danh sách cử tri đoàn. Hiến pháp Mỹ trao cho nghị viện các tiểu bang quyền quyết định cách thức tổ chức bàu cử. Từ đó đến nay, 50 tiểu bang đều đã làm luật xác định cử tri đoàn gồm những người do ứng cử viên thắng phiếu đưa ra. Nghị viện các tiểu bang không thể làm ngược lại những luật lệ họ đã thiết lập.
Cuộc đếm phiếu đầu năm 2021 rất phức tạp, nhưng phải công nhận các đại biểu quốc hội, và phó Tổng thống Mike Pence đã tôn trọng hiến pháp và luật pháp. Cuộc bạo loạn của những người tấn công phá phách chỉ làm trì hoãn công việc, các dân biểu nghị sĩ phải đi lánh nạn, giống như năm 1814. Nhưng trong vòng 6 giờ, họ trở lại làm nhiệm vụ mà hiến pháp Mỹ giao phó, cho tới 4 giờ sáng. Một dân biểu, ông Andy Kim, tiểu bang New Jersey, đã lụi cụi đi lượm rác mà những người gây loạn để lại trong Điện Capitol. Ông nói không thể đang tâm nhìn một tòa nhà thiêng liêng, tượng trưng cho chế độ tự do dân chủ của nước Mỹ, trông thảm hại như thế. Nhưng mọi người có thể tin, chế độ dân chủ ở nước Mỹ rất vững bền vì luật pháp luôn được tôn trọng.
______________________________________
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu cuộc đảo chính thành công?
. Tác giả: Juan Williams
. Dịch giả: Dương Lệ Chi
10-1-2021

Chuyện gì xảy ra nếu… họ đã bắt được một thượng nghị sĩ làm con tin?
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ bắt cóc Phó Tổng thống Pence?
Hãy nghĩ về điều đó.
Lúc đó Quốc hội không thể chứng nhận chiến thắng bầu cử của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Điều đó sẽ mở rộng quyền kiểm soát của Tổng thống Trump đối với tòa Bạch Ốc – và quân đội – có thể qua khỏi Ngày Nhậm Chức cho đến khi những kẻ cực đoan động lòng thương.
Những kẻ gây bạo loạn của Trump chỉ muốn một cuộc đảo chính như thế. Và họ đã gần như có được.
Đây là giấc mơ cho những người theo chủ nghĩa thượng tôn sắc tộc da trắng bạo lực và những người trong nhóm Proud Boys, những người xem Trump là người bảo vệ sự thống trị của người da trắng và Cơ đốc giáo.
Tại tòa nhà Quốc hội (Capitol), họ vẫy cờ Liên minh và mặc áo phông có khẩu hiệu bài Do Thái. Một người đàn ông mặc áo có mũ với khẩu hiệu “Trại Auschwitz”. (ND: Trại Auschwitz là trại tập trung của Đức Quốc xã dựng lên ở Ba Lan).
Nhiều năm qua, họ nói về việc hành hình những người theo chủ nghĩa tự do, khiến họ phải treo một chiếc thòng lọng từ giá treo cổ bằng gỗ mà họ dựng lên ở Trung tâm Quốc gia (National Mall).
Những lời kêu gọi bạo lực của họ phù hợp với hồ sơ của những người đã biến cậu bé Kyle Rittenhouse trở thành anh hùng mạng xã hội, khi đó cậu mới 17 tuổi, đã giết chết hai người đàn ông trong cuộc biểu tình về vụ cảnh sát bắn chết một người đàn ông da đen ở Kenosha, Wisconsin, hồi năm ngoái. Rittenhouse, năm nay 18 tuổi, hồi tuần trước đã không nhận tội với mọi cáo buộc phạm tội của cậu ta, mà cậu ta nói rằng [cậu ta giết người] là để tự vệ.
Những người theo chủ nghĩa vô chính phủ của Trump tại Capitol cũng phù hợp với đám đông bị buộc tội lên kế hoạch bắt cóc Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer (đảng Dân chủ) hồi năm ngoái, trong một nỗ lực khác nhằm lật đổ nước Mỹ như một đất nước của luật pháp.
Những người này vui vẻ bơi trong một thực tế ảo tưởng, đầy rẫy những lời nói dối hèn hạ và những thuyết âm mưu triệt để, được truyền thông cánh hữu cung cấp cho họ.
Lời nói dối lớn trong phòng tạo tiếng vang đó là, Trump đã thắng cuộc bầu cử hồi tháng 11.
Đó là lời nói dối mà Trump đã lặp đi lặp lại khi bạo lực ở Capitol đang lên cơn thịnh nộ.
Ông ta đã tweet rằng “chúng tôi đã có một cuộc bầu cử bị đánh cắp khỏi chúng tôi”.
Trước đó, tại một cuộc tập họp gần tòa Bạch Ốc, Trump đã kích động những người nổi loạn của mình bằng cách nói: “Không bao giờ nhượng bộ [cuộc bầu cử] – bạn không nhượng bộ khi có trộm cắp liên quan”.
Trong khi đám đông hô vang “Chiến đấu cho Trump”, tổng thống yêu cầu những người trung thành của ông tuần hành đến Capitol khi Quốc hội chuẩn bị chứng nhận kết quả bầu cử.
Ông ta vẫn chưa ngưng.
Khi cuộc tấn công đang diễn ra, ông ta đã tấn công Phó Tổng thống Pence, nói rằng Pence là một người thiếu “can đảm để làm điều đáng lẽ phải làm để bảo vệ đất nước của chúng ta” và ngăn Quốc hội chứng nhận cuộc bầu cử.
Lời nói dối rằng Trump đã giành chiến thắng trong cuộc tranh cử tổng thống, được lặp đi lặp lại bởi những kẻ cực hữu trên các đài phát thanh, truyền hình và mạng xã hội của Trump.
Theo một cuộc thăm dò của Fox News được thực hiện trước Giáng sinh, 36% người Mỹ – gồm 68% đảng viên đảng Cộng hòa – tin rằng, cuộc bầu cử đã bị đánh cắp khỏi Trump.
Và 45% đảng viên Cộng hòa đã tán thành cuộc bao vây Capitol trong một cuộc thăm dò nhanh của YouGov được thực hiện một ngày sau cuộc tấn công.
Tháng trước, Rush Limbaugh, ông hoàng của đài phát thanh bảo thủ, đã nêu lên bóng ma ly khai: “Tôi thật sự nghĩ rằng, chúng ta đang có xu hướng ly khai”.
Vào buổi sáng ngày xảy ra vụ tấn công, luật sư Rudy Giuliani của Trump nói với đám đông: “Hãy thử nghiệm bằng cách chiến đấu!”
Thêm vào căng thẳng là đảng Dân chủ giành được hai ghế Thượng viện ở Georgia vào đêm trước – trao cho đảng Dân chủ quyền kiểm soát Thượng viện.
Bây giờ câu hỏi nhức nhối đối với Biden là làm thế nào để đưa đất nước trở lại với nhau khi những người cực hữu không muốn hàn gắn.
Ông ấy có thể làm gì khi các chính trị gia đảng Cộng hòa gây quỹ bằng cách từ chối lời mời thỏa hiệp?
Biden có thể làm gì khi 2/3 dân biểu đảng Cộng hòa trong cuộc họp kín của đảng ở Hạ viện, đã bỏ phiếu không xác nhận việc bầu ông làm tổng thống?
Bất cứ ai đó có thể làm gì với những kẻ phân biệt chủng tộc coi mình là nạn nhân của “văn hóa đúng đắn về chính trị” khi họ bị thách thức vì phỉ báng bình đẳng chủng tộc và bị chỉ trích vì thích cai trị bằng đám đông, thay vì bằng pháp quyền?
“Câu hỏi đặt ra là liệu… nước Mỹ đang bắt đầu suy tàn vào kỷ nguyên thậm chí còn đen tối hơn và chia rẽ hơn hay là sự kết thúc của một kỷ nguyên”, báo New York Times có bài bình luận này, một ngày sau vụ tấn công vào Capitol.
Bài báo kêu gọi các đảng viên Cộng hòa bên ngoài hàng ngũ phe cực đoan của họ vươn lên “để bảo vệ quốc gia mà họ đã tuyên thệ phục vụ“.
Những ngày trước cuộc tấn công, một số đảng viên Cộng hòa trong quân đội và trong giới kinh doanh đã lên tiếng phản đối việc Trump từ chối chấp nhận thất bại trong cuộc bầu cử.
Mười cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, gồm có cựu Phó Tổng thống Dick Cheney, đã ký một thông báo chưa từng có, đăng trên báo The Washington Post, kêu gọi quân đội tránh xa các cuộc tranh chấp tổng thống.
Sau vụ tấn công, người đứng đầu Hiệp hội Các nhà Sản xuất Quốc gia (National Association of Manufacturers) thậm chí còn kêu gọi Pence “xem xét nghiêm túc” việc sử dụng Tu chính án thứ 25 để loại bỏ Trump khỏi nhiệm sở.
Bây giờ liệu họ sẽ hỗ trợ lời nói của họ bằng hành động và từ chối đóng góp vào Ủy ban Hành động Chính trị (PAC) của đảng Cộng hòa, đảng đã tiếp tay cho cuộc đảo chính?
Quá đủ rồi.
Trong tuần sau cuộc bầu cử, tôi đã viết trong mục này, như sau:
“Trong bài phát biểu chiến thắng của mình, Tổng thống đắc cử Biden nói: ‘Đây là thời điểm để hàn gắn nước Mỹ’. Đúng vậy, đất nước cần được hàn gắn. Nhưng sự trung thực và trách nhiệm giải trình là một phần của sự hàn gắn quốc gia”.
Và trong một nền dân chủ, trách nhiệm giải trình đòi hỏi đám đông của Trump phải nhận hậu quả. Chúng ta vừa có một lời cảnh báo ớn lạnh về tình trạng mong manh của nền dân chủ của chúng ta.
Không thể nào cố gắng lập luận với những người đã sử dụng hành động bạo lực để phá bỏ trụ cột quan trọng nhất trong thiết kế của các Nhà Lập Quốc – sự ổn định chính trị dựa trên quyền tự do và công lý cho tất cả mọi người, như nó được viết trong luật pháp và Hiến pháp của chúng ta.
Bắt giữ những kẻ bạo loạn; luận tội Trump.
___
Juan Williams là tác giả các bài báo và là một nhà phân tích chính trị cho kênh Fox News.
______________________________________
Phát biểu của cựu Thống đốc bang California, Arnold Schwarzenegger (đảng Cộng hòa)

