






Tấm vé số
. Nguyễn Hoài Phương
Thẳng thắn mà nói thì dân Việt Nam ta có tính khen chê không được khách quan và công bằng cho lắm. Thích cái gì là khen hết lời, một tấc bốc đến trời luôn. Mà ghét cái gì thì cũng tìm đủ mọi cách dèm pha, chê ỏng chê eo, làm như trên đời này chẳng còn cái gì xấu xa hơn nữa. Có một ví dụ về sự khen chê thất thường, bất công minh này. Ðấy là khi bàn về kiến trúc của Ðức. Về mặt tạo dáng, dân ta chê:
– Nhà cửa của bọn Ðức cái nào cũng giống cái nào… Trông tẻ nhạt, cứng nhắc như những cái hộp, chán chết. Chẳng có gì đáng xem.
Dân ta làm như các công trình xây dựng từ cổ chí kim của họ, chẳng có gì đáng nói về chuyện thẩm mỹ. Nhưng còn về mặt nội thất, thì dân ta lại khen:
– Bọn Ðức này thực dụng. Nhà cửa trông bề ngoài đơn giản thế thôi nhưng bên trong bọn chúng nó bố trí hết ý. Hợp lý, tiện nghi cực kỳ, cần cái gì lúc nào cũng có ngay…
Gã thấy lời khen này có lẽ đúng nhưng không đúng hoàn toàn. Có những công trình người Ðức thiết kế nội thất rất dở. Mà đặc biệt là những công trình cải tạo, sửa chữa, nâng cấp… của tư nhân. Nhiều khi họ cũng tùy tiện, chắp nối, giật gấu vá vai chẳng khác gì dân Việt Nam ta.
Thí dụ như phần nội thất của cái quán ăn mà bọn gã đang làm hiện nay. Không dám kể đến những khách sạn, bạn đọc nào đã từng vào quán Mc Donal đã được thoải mái về những tiện nghi đầy đủ, thuận tiện, sạch sẽ ở đấy bao nhiêu thì khi vào cái quán của các gã ở đây bạn sẽ thấy thất vọng bấy nhiêu.
Nếu bước chân đến đây, bạn sẽ thấy cái quán này nằm ở đoạn giữa của một con phố vừa hẹp, vừa ngắn, vừa cụt lại vừa không gần một trung tâm sinh hoạt thương mại, văn hóa, giao thông hay tụ điểm dân cư nào. Ðấy quả là một điều cực kỳ bất hợp lý khi chọn địa điểm. Và, chính vì thế mà nó rất vắng khách.
Nhưng cái mà gã thấy tức tối đến khó chịu là cái thiết kế nội thất của quán. Nó vốn được sửa lại. Gã không hiểu cái phòng ăn của khách, cái bếp nấu nướng của bọn gã và cái kho để chứa thực phẩm trước đây được sử dụng vào công việc gì, cũng như không rõ kiến thức về kiến trúc, về sắp xếp nội thất của ông chủ cái quán này như thế nào. Chỉ biết rằng hiện nay nó gây cho bọn gã rất nhiều khó khăn.
Gã làm phụ bếp. Cả cái quán này, có bao nhiêu công việc nặng nhọc đều dồn lên vai gã hết. Nhưng cũng một công việc ấy, giá ở những chỗ tử tế khác đáng lẽ chỉ vất vả một thì ở đây nó phải lên đến mười. Thí dụ như một việc lấy đồ để nấu nướng. Ông chủ quán đây thật là một thiên tài. Chẳng biết nghĩ thế nào mà ông lại cho làm cái kho để đồ khô ở tít trên tận tầng hai, còn kho để đồ lạnh thì lại đặt dưới mãi tầng hầm. Và vì thế mà hàng ngày, ngoài những việc pha thịt, thái rau, rửa bát bình thưòng ra, gã còn phải không biết bao nhiêu lần leo lên leo xuống hết tầng này đến tầng kia. Mà đâu chỉ có leo. Gã phải vừa leo vừa cảnh giác vì những cái cầu thang vừa hẹp vừa dốc lại vừa tối om om. Gã có cảm giác hình như là những người thợ xây dựng ngày trước có thâm thù gì đó với ông chủ. Nếu không thì tại sao mà những bậc thang ở đây lại bị bọn họ xây rất không đều nhau như thế này. Bậc cao, bậc thấp, bậc rộng, bậc hẹp lung tung chẳng theo quy luật nào làm gã nhiều phen nhỡ cỡ bước hụt đến muốn trẹo cả chân.
Gã có mặt ở Ðức đã mười năm nay và cũng đã gắn bó với ông chủ của cái quán này bằng ấy thời gian. Ông với gã vốn là đồng hương cùng làng với nhau. Mà đối với dân tộc ta thì tình quê hương đất nước, tình làng nghĩa xóm bao giờ cũng rất thiêng liêng cao cả. Một khi đã được đồng hương đồng khói để mắt đến thì dẫu có muốn chạy cũng chẳng thoát. Chẳng thế mà mặc dù mọi chuyện từ làm ăn đến sinh hoạt ở quán đều bất tiện vô cùng nhưng vẫn chưa khi nào gã dám hé nửa lời với ông chủ về việc xin chuyển đi nơi khác.
Mười năm làm việc liên tục. Nếu là người biết căn cơ dành dụm, là người có chút suy nghĩ toan tính cho tương lai thì gã cũng phải có số vốn kha khá. Thì đấy, chỉ cần làm mấy phép tính đơn giản là thấy. Lương của gã mỗi tháng hai nghìn rưỡi mark. Một mình gã, ăn tiêu phung phí lắm thì cũng hết năm trăm mark là cùng. Như những người khác, một tháng ít nhất thì gã cũng để dành được hai ngàn mark. Một năm, mười hai tháng là hai mươi bốn ngàn. Mười năm là hai trăm bốn mươi ngàn. Có vứt đi số lẻ thì gã cũng vẫn còn tới hai trăm ngàn.
Kể ra thì mấy phép tính trên cũng khá chính xác. Nhưng thật đáng tiếc, vì đấy chỉ là cách tính cua trong lỗ của một người bình thưòng. Còn với gã, thì không. Mười năm đã qua, mái tóc gã đã lốm đốm những sợi bạc, mặt gã đã có thêm những nếp nhăn, lưng gã đã hơi còng xuống. Gã không còn nhanh nhẹn tháo vát như những ngày xưa nữa… Nhưng, về mặt tiền bạc thì gã vẫn trắng túi.
Ngoài những tính chất của người bình thường như ngoan ngoãn, cần cù chịu khó, nhẫn nại…, gã chỉ khác họ có một tí. Ðấy là gã có cái máu đánh bạc. Ngày nào cũng thế, cứ hết giờ làm việc ở quán là gã biến mất vào trong mấy cái casino và ở đấy cho đến hết đêm. Có nhiều đánh nhiều, có ít đánh ít nhưng kiểu gì thì kiểu gã vẫn không thể không tới đó được. Tiếng kêu lách cách của những con xúc xắc, tiếng những lá bài quật xuống mặt bàn đen đét cũng như tiếng rồ rồ vo vo nhè nhẹ của những vòng bánh xe, tiếng nhạc tít tít trong những máy tự động… như có ma lực hấp dẫn làm gã không thể đứng lên nổi. Gã nghiện đánh bạc và cũng yêu luôn những con người ra vào sòng bạc thường xuyên nữa.
Ðối với gã, không có khuôn mặt nào đẹp bằng khuôn mặt của các bà lúc hồi hộp chờ một quân bài. Không có đôi mắt nào mê hồn hơn là đôi mắt của các bà lúc chăm chú theo dõi sự di chuyển của viên bi trong vòng quay bánh xe. Không có bàn tay nào thanh thoát thon thả hơn là bàn tay cầm những lá bài. Ở quán ăn, không bao giờ gã đụng đến điếu thuốc hay cốc cà phê. Thú nước giải khác duy nhất mà gã dùng là nước lọc. Nhưng ở casino thì gã hút thuốc và uống cà phê như một người sành điệu nhất trên đời. Mà gã đâu có cố tình làm ra vẻ người sành điệu. Ðơn giản, gã chỉ thấy khói thuốc và vị cà phê ở đây thật ngon mà thôi.
Hai ngàn rưỡi mark tiền lương với một người bình thưòng là nhiều. Người ta có thể tiết kiệm, có thể chỉ ăn tiêu trong vòng năm trăm để một tháng dư ra hai ngàn, một nam hai mươi tư ngàn và mười năm hai trăm bốn mươi ngàn. Nhưng với một kẻ máu mê cờ bạc như gã thì hai nghìn rưỡi mark ấy lại chẳng có ý nghĩa gì. Có đỏ lắm thì gã cũng chỉ giữ được số tiền ấy trong nửa tháng là cùng. Nửa tháng còn lại, để mỗi tối có được ba bốn chục vào casino đánh cò con, gã phải đi vay. Cách gã hay sử dụng nhất là xin tạm ứng. Chưa hết tháng gã đã kéo áo ông chủ: “Anh ứng cho em trước mấy trăm đi”. Vì nể tình đồng hương mà không lần nào ông nỡ chối từ gã. Và cũng chính vì thế mà gã không thể rời xa ông được.
Cứ có cơ hội là gã phải đánh bạc. Kể cả là đánh bạc với nhà nước. Gã cực kỳ khoái món đánh xổ số. Giải thưởng xổ số ở Ðức cực kỳ cao. Số tiền thưởng một đợt có thể lên tới cả chục triệu mark. Gã vẫn nói: “Chẳng cần cả vài chục triệu mark làm gì. Chỉ một phần mười là đã quá đủ”.
Một phần mười của một vài chục triệu tức là vào khoảng một tới hai triệu. Gã hy vọng, cứ đánh mãi thì cũng có ngày vận may đến. Mà, khi đã có một hai triệu trong tay thì đổi đời. Vậy nên, tuần nào cũng vậy, cứ vào thứ tư thứ bảy tức là vào những ngày mở thưởng thì kiểu gì gã cũng phải đánh mấy tờ. Khi mà người ta hy vọng có thể kiếm được cả triệu mark chỉ trong khoảnh khắc thì có bao giờ người ta lại tiếc mấy chục mark tiền còm.
Cái quán, theo nhận xét của gã là có phần bố trí nội thất dở nhất trên thế gian này. Ngoài chuyện kho tàng để lung tung với những chiếc cầu thang tối tăm gập ghềnh như đánh bẫy người ta ra, gã tức nhất là cái khoản bị giam suốt mười mấy tiếng đồng hồ hàng ngày trong bếp mà không đi đâu được. Ngay chuyện những lúc vắng khách, gã có muốn ra ngoài tán gẫu mấy câu với gã bồi bàn hoặc con bé rót nước ở quầy bar cũng không. Vì giữa phòng ăn của khách và bếp, ngoài một cái lỗ tò vò mỗi chiều gần bốn mươi phân để đưa đồ ăn ra và đưa bát đĩa bẩn vào, chẳng hiểu vì sao mà người ta không cho làm một cái cửa nào khác. Vậy nên, tuy làm chung một quán nhưng giữa bọn làm trong bếp và bọn phục vụ ở ngoài chưa có dịp nào được ngồi ăn chung với nhau. Giờ mở của quán, gã và lão chefkoch* đi cửa sau vào trong bếp, còn hai đứa làm ở ngoài thì đi cửa trước. Ðến hết giờ thì cũng cửa của đứa nào vào thì đứa ấy ra, ít khi giáp mặt nhau.
Trước cửa quán, phía bên kia đường có một kios bán sách báo kiêm đại lý cho các hãng xổ số. Nếu từ trong bếp có thể ra được phòng ăn thì gã chỉ cần chạy vài chục bước là mua được vé số. Nhưng vì lỗi của bọn thiết kế cải tạo nội thất mà gã không làm được điều ấy. Hôm nào quán vắng khách, có nhiều thời gian, muốn mua một tấm vé số, gã phải ra cửa sau đi vòng một hình chữ U đúng hai mặt phố. Còn hôm nào bận quá thì gã phải xỉa tiền qua cái lỗ tò vò nhờ con bé rót nước hoặc gã bồi bàn làm ở ngoài chạy sang kios mua giúp. Cả hai đứa này đều quen cách đánh của gã. Không gạch lung tung như người bình thường mà gã nuôi một dãy số. Ðấy là sinh nhật của ông nội ông ngoại, bà nội bà ngoại, bố mẹ và bốn anh chị em gã. Xổ số của Ðức có những bốn mươi chín số. Gã đánh theo ngày sinh thì nhiều nhất cùng chỉ được tới ba mươi mốt số là cùng. Kể ra thì cách đánh này không được khoa học cho lắm. Ai lại tự nhiên để mất đứt mười tám số. Nhưng gã mặc kệ. Gã đã theo dõi và thấy nhiều hôm xổ số về toàn số lớn thật nhưng lại cũng nhiều hôm về toàn số nhỏ. Gã đã chơi số nhỏ là chơi đến cùng, và chẳng lẽ ông bà nội ngoại, bố mẹ, anh chị em ruột thịt thân thiết của gã lại không mong cho gã trúng số hay sao.
Cũng như nhiều người chơi xổ số khác, chẳng hiểu tại sao gã lại nghĩ là cứ phải chơi sát nút, cứ phải đợi sắp đến giờ khóa sổ không bán vé nữa mới mua vé, mới gạch số thì mới đỏ. Và hôm thứ bảy ấy cũng vậy, khi nhìn đồng hồ trong phòng ăn thấy đã chỉ bốn rưỡi chiều, Hằng, cô bé rót nước mới nhìn qua cái lỗ tò vò mà nói vọng vào với gã rằng:
– Hôm nay anh Dũng định không đánh xổ số à?
Từ lâu rồi, Hằng đã coi việc đánh sổ số của gã là của chính cô. Không phải là vì Hằng cũng có máu đỏ đen hay có chút tình cảm riêng tư gì với gã. Mà đơn giản chỉ là nếu không giúp gã thì gã chửi. Hằng đã phải nghe gã chửi một lần rồi. Cái hôm thứ tư ấy, vì có mấy bàn đặt trước, quán hơi đông khách nên tự nhiên cả Hằng và gã đều quên. Mà đúng là một cái quên chết người. Trớ trêu làm sao xổ số kỳ ấy lại về toàn số nhỏ và trong sáu số của giải độc đắc lại có đến bốn số trùng với ngày sinh của ông nội, ông ngoại, bố và của chính gã. Nếu Hằng không quên, nếu cô đánh cho gã thì hẳn là gã đã trúng bốn số ấy. Mà trúng bốn số là trúng cả chục nghìn. Gã tức điên lên. Gã đỏ mặt tía tai mắng như tát vào mặt Hằng làm Hằng sợ đến già.
“Thôi thì tránh voi chẳng xấu mặt nào!”, sau trận bị mắng mất mặt ấy, Hằng nghĩ thế. Tốt hơn hết là chịu khó nhớ và mua hộ gã. Có mất công một tí thật nhưng còn giữ được tình cảm đồng nghiệp và cái chính là khỏi phải nghe gã chửi.
Gã đang bận. Ðể miếng thịt bò đang thái dở dang xuống, gã đứng lên móc túi lấy mấy chục mark đã chuẩn bị sẵn từ lúc nào đưa cho Hằng:
– Có chứ, Không đánh thì chết à, Hằng? Hằng chịu khó chạy sang mua hộ tôi cái nhé.
– Vẫn tám số ấy hả anh? – Hằng nghĩ, dù sao cũng cần hỏi lại gã một lần nữa cho chắc chắn.
– Ðúng rồi! Vẫn tám số ấy. – Gã khẳng định. – Hằng biết là tôi nuôi những số ấy từ bao lâu nay rồi còn gì nữa. Thôi Hằng đi giúp tôi nhanh lên kẻo hết giờ.
Trong số mấy người làm của quán thì tay bồi bàn là lính mới nhất. Trước đây khoảng sáu tháng, vì hay ăn cắp tiền, gã bồi bàn cũ bị đuổi mà gã được tuyển vào. Gã đang đeo đuổi Hằng nhưng chưa làm thế nào để lọt vào mắt xanh của cô. Tuy nhiên, Hằng càng xa lánh thì gã lại càng tìm mọi cách để thể hiện.
Hôm nay, nhân thấy Hằng đi mua vé số cho Dũng, tự nhiên gã lại nghĩ ra một trò gọi là để mua vui cho cô. Ðợi Hằng từ bên kios về, Thanh Nguyên – tên gã bồi bàn mới – gọi cô lại một chỗ thầm thì:
– Hằng ghi lại cho tôi mấy số vừa gạch cho ông Dũng đượïc không?
– Nhưng để làm gì vậy? – Hằng hỏi lại.
– Ðể tí nữa chúng mình lừa sẽ ông ấy một mẻ… Hôm qua, anh đã bàn với anh Hùng rồi.
Hùng – hay gọi chính xác là Thanh Hùng như lão muốn thế chính là tay chefkoch. Lão là đồng hương với Thanh Nguyên, chính nhờ có lão môi giới và đảm bảo mà tay này mới được ông chủ nhận vào làm. Nếu như Thanh Nguyên có tính đỏm đáng và õng ẹo như con gái thì tay Thanh Hùng này rất thâm. Lão giấu nghề rất kỹ. Vậy nên, làm trong bếp cùng lão cả chục năm trời, Dũng vẫn chẳng học nấu được một món nào gọi là có.
Rồi sau khi đã nói nhỏ vào tai Hằng là sẽ lừa như thế nào, gã tiếp:
– Thế nhé. Lúc nào ông ấy hỏi thì Hằng cứ nói thế.
Thanh Nguyên vẫn tưởng là Hằng sẽ tỏ ra thích thú với trò chơi của gã. Nhưng cô chối:
– Không được. Anh chưa biết tính ông Dũng đâu. Nói dối để rồi ông ấy khùng lên thì lôi thôi lắm.
Nhưng Hằng không thực hiện được dự định ấy của cô và vì thế mà để xảy ra hậu quả hết sức nghiêm trọng.
Trong quán có một cái ti vi dành cho thực khách. Ðã thành lệ, hôm nào có xổ số thì Hằng cũng là người theo dõi rồi ghi kết quả cho gã. Bức tường không cửa bất hợp lý đã ngăn cách gã với nỗi đam mê của mình. Nếu còn làm ở trong cái bếp này thì không bao giờ gã có cái hồi hộp được chứng kiến những quả cầu nho nhỏ màu trắng có ghi những số trúng thưỏng đã đảo lên đảo xuống, lộn đi lộn lại rồi rơi ra khỏi cỗ máy như thế nào. Thường là canh đến giờ mở thưởng thì gã đứng bên cạnh cái lỗ tò vò hỏi vọng ra. Hằng xem ti vi, thấy số nào trúng thì đọc cho gã ghi lại. Nhưng hôm nay, vì trong bếp lắm việc nên đến tận lúc gần đóng cửa quán, gã mới có chút thì giờ hỏi vọng qua lỗ tò vò:
– Hằng ơi…
Gã gọi mấy lần nhưng không thấy Hằng đáp lại. Có lẽ cô bận đi đâu đó. Ông chủ quán đôi khi vẫn sai cô như vậy. Cho mãi đến lần gọi thứ năm, gã mới nghe có người trả lời. Nhưng đấy là tiếng của Thanh Nguyên:
– Gì vậy ông?
– Tôi muốn hỏi cô Hằng tí.
– Hằng đi việc của Hằng rồi.
Thanh Nguyên dấm dẳng. Ở đời vẫn có người hay tự cho mình được quyền dấm dẳng, lên mặt lên mũi với người khác và Thanh Nguyên này là một gã như vậy. Với cái quần đen, chiếc sơ mi trắng có thắt nơ, tức là bộ đồng phục của một gã hầu bàn và cái đầu lúc nào cũng xức dầu bóng lộn, gã nghĩ mình thuộc đẳng cấp khác.
– Ông cần cái gì ở Hằng nào?
Giọng gã bồi bàn lại kéo dài ra, chua loét.
Dũng vốn chẳng ưa gì Thanh Nguyên, nhưng có lẽ vì sốt ruột không chờ được nữa nên gã buột miệng:
– Tôi muốn hỏi xem vừa nãy cô ấy có ghi hộ kết quả Xổ số không?
– Xổ số à?
– Ðúng. Xổ số.
– Thế thì để tôi tìm xem… – Rồi mặc dù đã nhìn thấy dẫy số Hằng ghi ở trên bàn nhưng gã vẫn giả vờ. – Không thấy ông ạ…
– Thôi để tí nữa cô Hằng về tôi sẽ hỏi lại. Chắc là thế nào cô ấy cũng sẽ ghi hộ. – Dũng thỏ dài. – Nhưng có điều không biết khi nào cô ấy mới về.
Thanh Nguyên vẫn giả vờ tìm, đợi đến lúc thấy Dũng đã thất vọng lắm gã mới kêu lên:
– Ðây rồi. Ngay trước mắt vậy mà tìm mãi không thấy.
Nghe gã nói thế, Dũng như bắt được vàng:
– Tôi đã nói mà. Thế nào cô ấy cũng sẽ ghi hộ. May quá. Ông làm ơn đưa cho tôi tí đưọc không?
– Không được đâu. – Thanh Nguyên nói dối. – Vì cô ấy ghi xuống mặt bàn.
– Thế thì ông làm ơn đọc giúp tôi vậy.
Gã bồi bàn đút tờ giấy Hằng ghi vào túi rồi rút ra một mảnh giấy khác:
– Ông nghe nhé. Sáu số.
– Vâng. Tôi nghe đây.
– Bắt đầu: Ba – Mười ba – Mười chín – Hai sáu – Hai tám -Hai chín. Và một số phụ: Hai mốt.
Ðấy là những con số mà Dũng nuôi. Ba – Mười ba – Mười chín – Hai sáu – Hai tám – Hai chín và Hai mươi mốt chính là ngày sinh của ông nội, ông ngoại, bà nội, ông bố, bà chị và thằng em, con em của gã. Như không tin vào tai vào mắt mình, gã hỏi lại Thanh Nguyên:
– Ông làm ơn đọc lại cho tôi một lần nữa đưọc không?
– Ðược. – Thanh Nguyên khoái chí vì con mồi đã bị mắc lừa.
– Cảm ơn. – Còn gã thì vẫn thật thà khẩn khoản.
– Nghe nhé: Ba – Mười ba – Mười chín – Hai sáu – Hai tám -Hai chín. Và một số phụ: Hai mốt.
Gã bồi bàn chậm rãi đọc từng số một.
Nghĩa là vẫn như thế. Mà như thế thì có nghĩa là gã đã trúng số độc đắc rồi. Dũng sướng quá. Gã nhảy cẫng lên. Và không để ý gì đến hai tay còn dính đầy dầu mỡ, cũng như không nhớ gì đến sự đố kỵ bấy lâu của tay chefkoch, gã cứ thế ôm lấy lão vừa nhảy như lên đồng vừa hét:
– Trúng rồi… Trúng rồi… Ha… Ha…
Còn Thanh Hùng thì mặc dù biết rồi nhưng gã vẫn giả vờ:
– Cái gì vậy? Mày trúng số thiệt hả?
– Trúng thiệt. Cả sáu số lẫn số phụ.
– Thế thì được bao nhiêu?
– Tiền triệu là cái chắc.
Rồi gã lại nhảy lên:
– Tôi đã nghĩ kỹ lắm rồi. Ðã mất công nuôi, mất công trường kỳ mai phục thì thế nào cũng phải trúng. Ông bà nội ngoại, bố mẹ anh chị em mình không muốn mình trúng thì còn ai vào đấy nữa.
Từ phút ấy, gã chẳng còn để ý gì đến công việc nữa. Cho đến tận lúc về gã vẫn cười nói huyên thuyên như một thằng điên. Gã nói với tay chefkoch:
– Thế này là tôi đổi đời rồi. Từ ngày mai là tôi biến. Ðéo thèm làm ở đây nữa. Mấy triệu makk chứ có ít đâu.
Gã sướng quá. Và đúng là gã được đổi đời. Có điều, gã không phải đợi đến ngày mai mà ngay đêm hôm ấy. Chả là, đêm hôm ấy, sau khi quán đóng cửa gã đã chạy như bay đến cái casino quen thuộc. Gã định vay tiền của mấy thằng bạn quen ở đấy để đánh cho sướng tay cái đã. Thắng thua kiểu gì cũng đánh. Ngày mai sẽ tính sau. Gã vừa chạy vừa nghĩ trong đầu như thế mà không hề để ý gì đến một chiếc ô tô to đùng nặng nề từ một góc phố lao ra.
Tất nhiên là gã chết. Vì tên lái cái ô tô tải đêm ấy là một thằng say. Hắn phanh không kịp. Trên đời này có nhiều kiểu chết. Nhưng có thể nói, sự mất mạng của gã là do thiếu hiểu biết, bị bưng bít và xuyên tạc thông tin./.
___________________________________________________
TÌM HẠT BỤI BAY
. Lam Kiều Lam
Tôi tìm hạt bụi bay trong cuộc đời
Một lần tôi đứng ngắm
xôn xao rất nhiều lời
Một loài chim mới đến
Vui như nắng ban mai
Hãy về đây!..
Tôi cần nhìn lại
nắng trong nụ cười
Một lần em đã đến
hân hoan ôi cuộc đời
Nụ tầm xuân hãy ấm
Đông sang khoác vai tôi
Những ngày vui!..