ĐẾN CỬA NHÀ QUAN
(Nhân ngày giỗ học giả Thái Văn Kiểm, 1922 -2015)
. Nguyễn Hữu Nghĩa
(trích Hồi ký)
Lần đầu tiên tôi đến trình diện học giả Thái Văn Kiểm năm 1987, nhân sang Pháp sinh hoạt kỷ niệm của Làng Văn. “Phái đoàn” Làng Văn, chỉ có bốn người, rất gọn nhẹ: bà chủ nhiệm Nguyên Hương, tổng thư ký tòa soạn là nhà văn Hồ Trường An, chủ tịch Hội Làng Văn tại Pháp là GS Bạch Thái Hà, và tôi, chủ bút.
Bác Kiểm mời chúng tôi tới ăn trưa cùng gia đình ông và một ít bạn đồng liêu ngày trước.
Biết bác vốn thuộc hàng quan chức, đã làm tỉnh trưởng khi tôi còn mặc quần thủng đáy chạy nhông nhông khắp xóm, tôi chuẩn bị khá cẩn thận, cà vạt, áo vest ba mảnh, giày da,.. Anh Hà đi từ nhà. Tôi và Nguyên Hương mặc quần áo xanh đỏ, định đi phố chơi trước rồi đáo về nhà thay quần áo tử tế trước khi đến bác. Hồ Trường An đi xe lửa từ Troyes lên.
Không quen tính toán giờ giấc xe lửa, metro, lính quính tới phút chót tôi biết nếu về nhà thay quần áo, sẽ tới trễ khoảng một tiếng, nếu không bị lạc. Thà đến đúng giờ, ăn mặc lôi thôi mà còn biện bạch được: Phố lạ, lạc đường, sợ trễ giờ nên không dám về nhà thay y phục cho chỉnh tề.
Tôi và Nguyên Hương bỏ phiếu để chọn, đa số tuyệt đối 2/2 chọn “đúng giờ”. Thế là một lúc sau chúng tôi đến bấm chuông nhà bác, đúng y hẹn, không trễ phút nào.
Bác ra mở cửa, anh Hà cũng ra theo. Bác và anh Hà đều mặc vest ba mảnh, khi đứng lên thì cài cúc chỉnh tề. Tôi thấy hai người bốn mắt nhìn chúng tôi ngỡ ngàng. Tôi rối rít xin lỗi vì ra phố lạc đường, sợ trễ giờ nên phải mặc áo chim cò đi thẳng tới rồi xin tạ lỗi cùng bác. Tôi biết nếu chỉ có chúng tôi thì bác Kiểm và anh Hà không cảm thấy gì, họ chỉ cần bỏ áo vest ra thì ai cũng gần giống ai. Đàng này trong bàn tiệc còn có nhiều vị hoàng thân thuộc hàng chữ Ưng, chữ Bửu, vai vế cao hơn cả hoàng đế Vĩnh Thụy, và đều là cựu quan chức vào hàng tổng bộ trưởng thời trước. Tất cả các cụ ông đều mặc vest, các cụ bà đều mặc áo dài trang nghiêm.
Tôi chắp tay cúi đầu, nói lời xin lỗi rất quan cách, chẳng hiểu học từ đâu và nhớ từ đâu mà bật ra trơn tru như nước chảy. Các cụ bà không nói gì, nhưng các cụ ông đồng loạt đứng dậy đáp từ, an ủi tôi, rồi họ không ai bảo ai, cùng kêu “hơi nóng”, cởi bớt áo ngoài mắc lên lưng ghế và bắt đầu nói nói cười cười như trong vòng thân mật.
Trên bàn tiệc, cụ Kiểm và cụ bà theo đúng nghi thức, ngồi chủ vị hai đầu bàn. Tôi được xếp vào đệ nhất và đệ nhị khách vị, là chỗ quí trọng nhất bên tay phải cụ ông, và Nguyên Hương bên tay phải cụ bà. Tôi lễ phép thoái thác nhưng thấy đã có etiquette viết tên dán sẵn cho từng chỗ nên đành nói lời cảm ơn, mời quí cô bác ngồi rồi nhóng chừng cùng ngồi xuống với nhau một lượt. Thiệt là khổ!
Khi ai nấy an vị thì Hồ Trường An đến. Bác Kiểm và anh Hà ra mở cửa. Tôi hơi mỉm cười thú vị vì anh An chỉ mặc một cái áo màu xanh, mà lại là áo thun sát nách, không có tay áo, so với tôi còn “thoải mái” hơn một bậc. Mọi người không ai nói gì. Chắc họ nghĩ, cái đám văn nghệ sĩ Làng Văn thì chúng nó như thế cả!
Hôm đó bác Kiểm đãi toàn món Huế, trong đó có vài món “tiến”, món “ngự” rất hiếm nhưng tôi không cảm thấy ngon miệng vì tôi còn ngượng nghịu vì cách ăn mặc của mình. Không bao giờ tôi quên được sự nhột nhạt đó, và bây giờ ngồi đây gõ lại mấy dòng này tôi vẫn tiếp tục ngượng, dù tất cả những vị ngồi trong buổi tiệc hôm đó nay đều đã trở thành thiên cổ. Bác Kiểm và tất cả cả khách của bác đều lớn hơn tôi gần 30 tuổi trở lên. Bên tôi thì anh Bạch Thái Hà, Hồ Trường An thuộc thập niên 30, và cả Nguyên Hương, nhỏ tuổi hơn tôi, không còn lại một ai trên dương thế!..
Cơm nước, chuyện vãn xong, bác Kiểm tiễn khách riêng của bác ra về, để các anh Hà, An và Nguyên Hương ngồi trò chuyện với bác gái. Bác gọi tôi qua thư phòng bàn quốc sự. Đây mới là mục đính chính của buổi họp.
Con trai bác nằm trong ban tham mưu Mặt Trận Thống Nhất Các Lực Lượng Yêu Nước Giải Phóng Việt Nam cùng các ông Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh, Trần Văn Bá,..
Câu chuyện rất dài. Bác Kiểm thay mặt con trai, thuyết phục tôi tham gia mặt trận với tư cách sĩ quan QL/VNCH. Tôi biết, Mặt Trận Lê Quốc Túy chính là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam cũ và chính phủ Huỳnh Tấn Phát trước đây. Tôi không hề bao giờ có cảm tình với họ, vì dưới mắt tôi, họ là thành phần bị lừa, và là công cụ của Cộng sản Bắc Việt. Hết thỏ thì chó săn bị làm thịt, họ tìm cách rửa nhục chứ không vì tổ quốc. Trong đám đó tôi chỉ trọng một người là Trần Văn Bá, còn con trai bác Kiểm, tôi chỉ nói chuyện một lần qua điện thoại viễn liên và không lưu lại ấn tượng nào. Tôi là sĩ quan từng chỉ huy ngoài chiến trường, nhưng tôi cấp bậc của tôi không đủ cao để nhân danh “sĩ quan QL/VNCH”, còn cho tôi “thăng cấp” theo công vụ, lại càng không được, vì đó là hàng giả. Tôi là nhà báo, tôi sẽ làm tròn nhiệm vụ thông tin như mọi nhà báo khác.
Sau gần ba giờ nói chuyện, tôi chỉ hứa với bác hai điều, một là qua Tân Gia Ba thăm con bác hoặc hai là đón tiếp con bác tại Canada. Cả hai chuyện ấy đều không xảy ra. Chúng tôi không có duyên với nhau. Chỉ Làng Văn có duyên với bác Kiểm, đã in cho bác khá nhiều sách và bác đã gửi đăng khá nhiều bài.
Hóa ra duyên văn sâu đậm và bền chặt hơn duyên võ!
(nhn)