MƯỜI NĂM NHÌN LẠI FACEBOOK CỦA MÌNH

. Nguyễn Hữu Nghĩa (18.5.2020)

Ngay từ đầu thiên niên kỷ thứ ba, cậu út Việt Dzũng đã bảo tôi: “Anh tư nên bắt đầu để ý nhìn vào mạng xã hội, social media, làm website, audiobook và youtube. Nó sẽ là phương tiện mới cho cuộc đấu tranh của mình, trong khi việc vác đàn leo lên máy bay đi đây đi đó, càng ngày sẽ càng thưa dần và quần chúng tập hợp chung quanh mình sẽ càng ngày càng ít đi. Đài phát thanh công chúng đang mạnh nhưng sẽ lụn dần. Báo chí cũng vậy, ngoại trừ anh tư làm thêm báo chợ, báo chùa, chứ $5 một tờ như Làng Văn của anh, giỏi lắm anh kéo được 10 năm là cùng!”

Biết Việt Dzũng là người có viễn kiến về mặt kỹ thuật truyền thông, tôi ghi nhận, nhớ nằm lòng và… không làm gì thêm cả, ngoài những chuyện đang làm lúc đó: đi tới đi lui và làm báo tháng! Cậu út nhắc đi nhắc lại mỗi lần gặp nhau. Anh tư gật gà gật gù khẩu phục tâm phục ừ à nhưng rồi vẫn …chưa làm gì cả.

Chín năm sau, tôi đóng cửa báo vì số độc giả mua báo chỉ còn 10% so với những năm thịnh nhất. Tiền bán báo chỉ vừa đủ để thanh toán tiền in và tiền cước gửi báo. Những độc giả trên 50 tuổi, rời quê hương năm 1975, đến lúc đó đã rơi rụng nhiều; những người còn sống sót mắt mờ tai kém, đọc chữ khó khăn nên không còn thích đọc. Độc giả như thế, văn giới cũng chẳng hơn gì. Sau 16 năm dựng làng, số người cộng sự chỉ còn khoảng phần tư, và lớp người mới có khả năng thay thế, đếm chưa đủ trên mười đầu ngón tay.

Năm 2009, Việt Dzũng mở cho tôi facebook. Thiện làm giúp website. Facebook còn sống tới hôm nay, trong khi trang vi báo bị người anh em bên kia tổng công kích bằng e-bomb, chết ngủm 5, 6 năm sau đó. Hôm nay tôi đã có website mới, https://LangVanOnline.com, nhưng bài vở cập nhật lơ vơ. Bài lưu của một phần tư thế kỷ làm báo, chỉ mới đưa lên được khoảng 1%, còn bài mới hầu hết chỉ nói chuyện Coronavirus và chuyện nước Mỹ, chẳng dính dáng gì tới làng với văn!..

Tôi thích làm vườn hơn ngồi trước màn ảnh. Làm rất chăm chỉ, cuốc đất, nhặt nhỏ, dọn rác, trau cành cả ngày ngoài trời, sung sướng và thoải mái hơn ngồi đây, viết lách lăng nhăng. Canada có đủ bốn mùa, và mùa lạnh kéo dài khoảng 6 tháng, chẳng trồng trọt gì được nên chỉ có thể đi loanh quanh đâu đó, hay ngồi nhà chơi facebook!

Tính tôi thẳng, thấy chuyện trái tai gai mắt không thể không nói. Giống như hầu hết các bạn trên trang facebook này, tôi ghét cái xấu và cái ác, mà chuyện xấu ác bao giờ cũng nhiều hơn chuyện tốt lành.

Cộng sản xấu, xấu toàn diện, xấu từ trên xuống dưới từ dưới lên trên, xấu từ trái sang phải từ phải sang trái. Tôi có thân nhân là Việt Minh, cộng sản. Các thầy dạy nhạc, dạy sinh ngữ, dạy lý luận chính trị cho tôi thời tuổi nhỏ, là người cộng sản. Tôi nhá bản dịch “Communist Manifesto” của Karl Marx và Friedrich Engels từ khi chưa vào trung học. Tôi có 4 năm kinh nghiệm bản thân sống dưới chế độ cộng sản, thời bao cấp nhá bo bo mơ thiên đường cụ Mác cụ Lê, thời CSVN xâm lăng Cao Miên, và thời Đặng Tiểu Bình xua 200 ngàn quân từ Côn Minh và Quảng Châu đánh xuống biên giới phía Bắc. Tôi thấy đủ. Tôi hiểu đủ. Tôi trải qua đủ để có thể kết luận một cách nghiêm chỉnh và vững chắc rằng con người không thể sống như một nhân vị dưới chế độ cộng sản. Điều này có thể khiến cho các bạn trẻ sinh ra và lớn lên trong chế độ, sống đến nay đã gần nửa đời người, ngơ ngác không hiểu gì cả, nhưng sự thực nó như thế.

Ngoài này, trong bốn năm gần đây, tôi tiếp cận cái ác, cái xấu khác từ bên kia biên giới phía Nam nơi tôi đang tị nạn chính trị, do một cá nhân xấu được tài phiệt Mỹ và Nga sử dụng và chi phối để trục lợi, gây ra những tổn hại lâu dài, về cả cấu trúc xã hội lẫn nhân mạng. Tôi không thể im tiếng.

Tôi đã phải trả giá cho sự lên tiếng của mình, và tôi chấp nhận. Tôi mất thân nhân và một số bạn bè ở bên kia đại dương, và tôi chấp nhận xa cách gần một nghìn bạn bè ở biên kia biên giới, trong số đó có cả trăm người từng là bạn thân suốt mấy chục năm. Nguyên Hương, người bạn đời 45 năm của tôi, khi còn sinh tiền, an ủi bằng cách gợi ý: “những con người như vậy có thực sự là bạn anh không?” Người bạn đời hiện tại của tôi cũng phát biểu cùng một ý: “thôi, thà ít bạn, nhưng bạn cho ra bạn vẫn hơn.” Tôi im lặng suy nghĩ. Họ, cả nghìn người ấy, sai lầm trong nhất thời, có thể kéo dài trong 4 năm hay lâu hơn, sẽ có lúc họ tỉnh ngộ, nhưng tình bạn nếu được xây dựng lại, không thể đằm thắm như buổi ban đầu, khi cả hai bên đều còn thơ dại. Buồn!

Trên facebook, tôi còn một số bạn cũ, và có thêm khá nhiều bạn mới, giao thiệp trên căn bản: không chấp nhận cái xấu, cái ác – dù đó là VN, Tàu, Bắc Hàn, Nga hay ông láng diềng gian thương vô đạo.

Cũng trên facebook, tôi học được nhiều điều. Đôi khi tôi nổi khùng văng tục trước một chuyện quá bẩn, rồi xin lỗi ngay tại đó; nhưng tôi hiểu rằng khi có thể lắng lòng, bình tâm viết như một chính khách chuyên nghiệp, hay một hiền nhân, ý nặng lời nhẹ, chắc chắn là hay hơn, gây ảnh hưởng tốt hơn, rộng hơn, nhưng hình như khi ấy tôi không phải là tôi, cái thằng tôi sấn sổ, bộp chộp, bạ đâu nói đó (vậy thì có khác gì …hắn?)

Năm nay tôi đã tới tuổi sở dục tòng tâm (theo Khổng), nhưng tâm-bình phải tốt hơn tâm-động chứ, bảy mươi chưa què chớ khoe mình lành (tục ngữ Việt). Không què, nhưng có vấp ngã và té đau, chắc chắn, vậy thì “lành” chỗ nào?

Phải nói là trên facebook có những người tôi thích, tôi học được nhiều điều từ họ. Họ thong thả, từ tốn, bình tĩnh, nhẹ nhàng, dù ấm như gió hè hay lạnh như băng giá, lý luận vẫn vững như tường thành, bia đá. Họ giúp tôi tự tu, tự tỉnh và tôi thầm biết ơn họ. Sẽ có một lúc tôi sẽ nêu danh tính từng người để cảm ơn đúng cách, phải lẽ.

Trên facebook, tôi tự nhiên có thêm một gia đình lớn, ngoài bạn, còn có thêm rất nhiều con, em, cháu,.. đối với nhau tận nghĩa, chí tình, còn hơn một số con ruột, con đẻ. Tất nhiên cũng có người tự nhiên biến mất không một lời từ biệt. Tôi không tìm hiểu tại sao, cho rằng đó là lẽ tự nhiên trên giòng đời, tự đến tự đi không nhất định phải có lý do.

Hơn 10 năm facebook, tôi như sống thêm được 10 năm bên cạnh đời mình. Mười năm “cho thêm” nhưng đáng giá, vui buồn ấm lạnh có nhau. Các bạn có nghĩ như vậy không? ./.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here