Nghĩ Vụn bên cốc cà-phê sáng – 221112

THƠ VỚI THẨN

. Nguyễn Hữu Nghĩa

Hơn ba mươi năm trước, lúc chớm thu, dưới bút hiệu Cung Vũ, tôi làm thơ như vầy:

Đỏ rồi

những mảnh đồi cong

những thung lũng hẹp

những dòng tiểu khê

Hắc nga đã xoải cánh về..

(quên mất câu kế, nhớ là bài thơ nằm trong tập Hồng Trần, 1985, nhưng lười lục ra).

Tất nhiên đây là thơ lục bát, bị chém ra tan nát và quăng xuống dòng. Nhưng tôi không cắt bừa, chém bừa, mà có dụng ý. Trời đang ấm áp, ra đường chợt thấy lá đỏ, lá thu, báo hiệu mùa lạnh đã đến. Thấy màu đỏ trước thì bật kêu “Đỏ rồi!”xong mới nhìn kỹ xem cái gì đỏ và đỏ ở đâu. Cái khoảnh khắc ngắn ngủi ấy đủ để tôi ngắt câu, xuống hàng… chơi. Thì ra lá đỏ ở mảnh đồi cong song, ở cái thung lũng nhỏ, và đỏ ở những vùng nước non chung quanh.

Nếu là bây giờ, cũng với những hình ảnh đó, có khi tôi viết “suối khe” thay vì “tiểu khê” và “ngỗng đen” tức con Canadian/American geese thay vì “hắc nga” và không xuống hàng trái luật. Các câu thơ ấy sẽ thành:

Đỏ rồi những mảnh đồi cong

Những thung lũng hẹp, những dòng suối khe

Ngỗng đen đã xoải cánh về…

Như thế, liệu không khí của bài thơ có đổi khác không? Người đọc có cảm thấy cái lạnh bất chợt của hơi thu hay tâm trạng hơi bâng khuâng trong lúc giao mùa không? Hay mỗi người hiểu theo cách riêng, theo kinh nghiệm sống và tình cảm riêng?

Tôi chợt nhớ Nguyễn Du tả cảnh thu sơ, chỉ trong tám chữ: “Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san.”

Tôi hiểu một cách giản dị là tác giả dùng phép đảo trang và chuyển ý thơ vào đúng khuôn khổ luật thơ, nếu viết theo văn xuôi: “Mùa thu đã nhuộm màu lên chốn quan san”; nhưng các cụ bạn thuộc thế hệ đàn anh của tôi như các học giả Trần Văn Tích, Lê Hữu Mục nhất định không chịu, mà ra sức truy lùng lục lọi tỉ mỉ xem cái màu quan san ấy là màu gì, loài phong ấy mọc ở đâu, lá đổi sang màu vàng hay đỏ; hoặc nâu xỉn vào những năm cái lạnh dưới độ âm không chịu đến đột ngột để những bó li-be trên cuống lá hóa mộc ngay, không tiếp nước cho lá nữa để lá chết ngắc tức tưởi sau một hai đêm và đổi màu?

Đàn anh Du Tử Lê lúc sau này làm thơ cũng ngắt đoạn để độc giả cảm và hiểu theo cùng một cách của tác giả, bằng những cái gạch chéo. Một vị đàn anh khác của tôi, Nguyễn Hữu Nhật (Sắc Không) không đồng ý, viết đùa trên Chém Đá, tặng cho bạn hỗn danh “Nhà thơ gạch chéo”.

Viết tới đây, lại nhớ đàn anh Mai Thảo với 53 tác phẩm văn chương, viết như vầy (không nhớ chính xác từng chữ): “Chàng xuất hiện trước cửa phòng tiệc cưới. Mặc áo sơ-mi. Cụt tay.” Đàn anh Duyên Anh lôi ra chế giễu, bảo chấm câu như thế làm cho câu văn cà thọt, lập dị. Tôi hiểu khác. Tôi cho rằng, nếu viết: “Chàng mặc áo sơ-mi cụt tay xuất hiện trước cửa phòng tiệc cưới” thì làm mất đi sự sững sờ hay ngạc nhiên của những người đang ngồi trong các bàn tiệc nhìn ra. Chữ “xuất hiện” rất đắc thế. Xuất hiện là từ đâu đó hiện ra, bật ra, đập vào mắt mọi người một cách bất ngờ. Rồi từ đó, người ta nhận ra chàng mặc áo sơ-mi đi dự tiệc cưới thay vì lễ bộ tử tế như mọi người, mà lại là sơ-mi cụt tay! Ba hình ảnh ấy không được nhận ra cùng lúc mà theo đúng một trình tự: chàng xuất hiện, áo sơ-mi, cụt tay. Y như xi-nê-ma. Tôi đoán tác giả đã đưa cách viết kịch – screen writing – vào văn xuôi.

Tất cả những người tôi nhắc tên trên đây, trừ cụ Tích ở Đức, tất cả đã trở về với cát bụi, và có thể đang cười hể hả với nhau ở một nơi an bình nào đó, bảo rằng: “Cái thằng Bếp Mập nầy lôi thôi quá. Mai mốt nó xuống đây phải đét cho nó mấy roi!”

(nhn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here